Đái tháo đường và tăng huyết áp

Đái tháo đường (tiểu đường) và tăng huyết áp là 2 căn bệnh nếu không biết thì thực sự người ta không thể hình dung ra được mối liên hệ của chúng với nhau. Thế nhưng trong thực tế cả khoa học lẫn kiểm chứng thực nghiệm thì 2 căn bệnh này lại có liên hệ mật thiết với nhau. Đái tháo đường và tăng huyết áp là lỗi lo của tất cả những bệnh nhân đái tháo đường. Cùng tìm hiểu vấn đề này nhé.

Xem thêm :



Tăng biến chứng ở người vừa tăng huyết áp vừa đái tháo đường.
Đái tháo đường có liên hệ mật thiết với việc tăng huyết áp
Đái tháo đường có liên hệ mật thiết với việc tăng huyết áp
Theo nhiều nghiên cứu, người ta thấy rằng tăng huyết áp và đái tháo đường thường kết hợp với nhau và tỷ lệ bệnh luôn tăng theo lứa tuổi. Tỷ lệ bệnh tăng huyết áp ở người đái tháo đường týp 2 tăng 2,5 lần so với người không đái tháo đường. Ngược lại, khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường đồng thời bị tăng huyết áp (25% ở người trẻ và 75% người lớn tuổi). Theo một nghiên cứu trên mhững phụ nữ bị tăng huyết áp, sau khi đã loại bỏ các tác động như hút thuốc, nghiện rượu, cân nặng, tiền sử gia đình và một số yếu tố khác, người ta thấy rằng: phụ nữ bị tăng huyết áp sẽ gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường týp 2 gấp 3 lần so với phụ nữ có trị số huyết áp bình thường.

Tăng huyết áp góp phần quan trọng làm tăng mức độ nặng, tăng mức độ tàn phế và tỷ lệ tử vong của người bệnh đái tháo đường. Theo nghiên cứu Whitehall ở Anh theo dõi trong 10 năm, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp tăng gấp đôi người đái tháo đường không tăng huyết áp. Ngược lại đái tháo đường cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn. Tăng huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ và các mạch máu lớn, nếu không được điều trị sẽ gây ra các bệnh lý ở mắt, thận, tim mạch và có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.

Chẩn đoán là tăng huyết áp ở người đái tháo đường khi mức huyết áp tối đa ≥ 140mmHg hoặc/và huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg. Trên bệnh nhân đái tháo đường týp 1, tăng huyết áp thường đi kèm bệnh lý thận. Trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp có thể cùng xuất hiện với các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch, các yếu tố này đều có cùng một rối loạn tiềm ẩn là đề kháng insulin và tăng insulin máu.

Đặc điểm tăng huyết áp ở người đái tháo đường là tỷ lệ tăng huyết áp tâm thu đơn độc rất cao. Riêng đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp gặp ở nữ nhiều hơn nam và huyết áp tâm thu tăng theo tuổi ở nữ chậm hơn. Ngoài mức độ thường gặp cao, bản thân tăng huyết áp làm tăng mạnh các yếu tố nguy cơ vốn đã tăng ở bệnh nhân đái tháo đường. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh lý mạch vành gấp hai lần ở nam và bốn lần ở nữ. Khi mắc cả tăng huyết áp và đái tháo đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với bệnh nhân tăng huyết áp nhưng không bị đái tháo đường.

Do tầm quan trọng của mức huyết áp đối với bệnh nhân đái tháo đường nên khi phát hiện tăng huyết áp các chuyên gia tim mạch khuyên nên làm thêm các xét nghiệm như: siêu âm doppler động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch 2 chi dưới; siêu âm tim (đánh giá phì đại thất trái, chức năng tâm trương…); tìm microalbumine trong nước tiểu; soi đáy mắt; khám bàn chân; đo chỉ số huyết áp tâm thu còn gọi chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay (ABI: Ankle Brachial Index). Nếu có điều kiện có thể theo dõi huyết áp trong 24 giờ (Holter huyết áp 24 giờ).

Lợi ích của hạ huyết áp ở người đái tháo đường.
Lợi ích của việc hạ huyết áp ở người đái tháo đường
Lợi ích của việc hạ huyết áp ở người đái tháo đường
Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy, khi hạ thấp mức huyết áp sẽ làm giảm biến cố tim mạch, giảm có ý nghĩa tiến triển bệnh võng mạc, albumin niệu và bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường. Nếu huyết áp tối đa giảm 10mmHg sẽ giảm được 12% nguy cơ các biến chứng liên quan tới bệnh đái tháo đường, giảm 15% nguy cơ tử vong do đái tháo đường, giảm 11% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, giảm 13% nguy cơ biến chứng vi mạch.

Các chuyên gia tim mạch yêu cầu duy trì mức huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường (đích tối ưu) là ≤ 130/80mmHg. Nghiên cứu trên 1.501 người tăng huyết áp người ta nhận thấy: tai biến mạch máu não giảm 30% ở nhóm nghiên cứu với mục tiêu huyết áp tối thiểu < 80 mmHg so với nhóm nghiên cứu có huyết áp tối thiểu < 90 mmHg. Do vậy điều trị tăng huyết áp tích cực ở người đái tháo đường phải được coi là mục tiêu ưu tiên số 1. Đã có tác giả cho rằng việc kiểm soát tốt huyết áp thậm chí còn quan trọng hơn cả kiểm soát đường máu.

Nghiên cứu về kiểm soát tăng huyết áp ở người đái tháo đường và người không đái tháo đường từ năm 1995-2005 cho thấy, trong thập niên này hầu như ít hiệu quả trên người đái tháo đường. Phát hiện này cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây khi chỉ ra thực tế thất bại của các bác sĩ là không đạt được mức huyết áp mục tiêu ở người đái tháo đường mặc dù tăng huyết áp là triệu chứng chính của bệnh lý tim mạch, kẻ giết người hàng đầu ở người đái tháo đường.

Trong thực hành lâm sàng, việc điều trị hạ huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là rất khó. Để kiểm soát được tăng huyết áp, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là dùng thuốc, liệu pháp tốt nhất là phối hợp nhiều loại thuốc.

Nền tảng điều trị của đái tháo đường và tăng huyết áp đều bao gồm thay đổi nếp sống, như kiểm soát cân nặng, tránh béo phì; tập thể dục điều độ với cường độ trung bình như đi bộ, bơi lội…; thư giãn đầu óc, tránh căng thẳng stress, hạn chế uống rượu, bia; tốt nhất nên bỏ hút thuốc; chế độ ăn giảm muối và chất béo. Kết hợp nhiều loại thuốc được chỉ định khá rộng rãi để đạt kết quả mong muốn và lâu dài về số đo huyết áp lại hạn chế được các tác dụng phụ không mong muốn. Thường liệu pháp kết hợp giữa ức chế men chuyền và đối kháng kênh chẹn Calci hoặc lợi niệu thiazid liều thấp, được ưu tiên lựa chọn ngay từ đầu. Riêng các thuốc ức chế men chuyển ngày nay là thuốc chỉ định đầu tay cho người bị đái tháo đường có tăng huyết áp, cho dự phòng biến chứng thận. Thuốc còn được chỉ định dự phòng với liều thấp dù chưa có tăng huyết áp.

Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai bệnh ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Bệnh không chỉ thường gặp ở người lớn tuổi mà còn xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở người trẻ và được cả thế giới nhìn nhận như là những đại dịch của thế kỷ 21. Tăng huyết áp ở người đái tháo đường là những bệnh lý ảnh hưởng toàn thân, đe dọa sức khỏe mọi người, nhưng lại thường bị bỏ quên. Kiểm soát huyết áp cũng như kiểm soát đường huyết và lipid máu là những vấn đề rất quan trọng đối với người đái tháo đường týp 2, giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa những biến chứng bệnh lý có thể xảy ra.
Từ khóa tìm kiếm :

  • Đái tháo đường bị tăng huyết áp
  • Đái tháo đường có tăng huyết áp không?